Xu thế nghiên cứu và phát triển của Tập đoàn Phan Vũ trong 5 năm tới dựa trên nền tảng công nghệ 4.0 và trí tuệ nhân tạo. Trong 10 năm qua, công nghệ mới đã giúp tăng năng suất lên gấp 4 lần, trong khi nhân sự chỉ tăng gấp 2 trên toàn tập đoàn. Thanh Niên có cuộc phỏng vấn ông Phan Khắc Long, Chủ tịch HÐQT Phan Vũ Group, về bước đột phá của Phan Vũ.
Tập đoàn Phan Vũ có mặt trong xếp hạng Top 10 doanh nghiệp uy tín nhất VN năm 2020, theo kết quả công bố của Báo cáo đánh giá VN (Vietnam Report). Yếu tố then chốt nào đã giúp Phan Vũ đạt được sự vinh danh này, thưa ông?
Phan Vũ nằm trong Top 10 công ty vật liệu xây dựng tốt nhất VN là sự phấn đấu của cả một quá trình từ khi thành lập vào năm 1996 đến nay. Khi xây dựng nhà máy đầu tiên, chúng tôi xác định và đeo đuổi mảng vật liệu xây dựng, lấy sản phẩm cọc nền móng là cốt lõi. Năm 1997, Phan Vũ cho ra đời sản phẩm cọc bê tông ly tâm đúc sẵn lần đầu tiên tại VN, đến nay vẫn đang dẫn đầu về sản lượng cọc bê tông ly tâm tại VN và xuất khẩu một phần. Hiện nay, cọc bê tông ly tâm đã thay thế hơn 80% cọc vuông truyền thống. Yếu tố then chốt của sự thành công đó đến từ sự tận tụy của đội ngũ cán bộ nhân viên gần 25 năm gắn bó và sự hợp tác chiến lược quan trọng với Tập đoàn Japan Pile (Nhật Bản).
Xin ông chia sẻ thêm về cột mốc hợp tác quan trọng này đã góp phần cho sự phát triển của Phan Vũ nói riêng và lĩnh vực xây dựng nói chung tại VN?
Năm 2010, Phan Vũ trở thành đối tác chiến lược với Japan Pile, một đối tác cùng ngành nghề đứng đầu ở thị trường cọc nền móng tại Nhật Bản. Tôi phải nhấn mạnh đối tác cùng ngành nghề là vô cùng quan trọng, bởi họ cũng đã từng trải qua những khó khăn tương tự nên thấu hiểu những gì mà chúng tôi gặp phải. Japan Pile đã hỗ trợ Phan Vũ rất kịp thời tại thời điểm khủng hoảng, tái cấu trúc tập đoàn, cân đối tài chính và trích lập dự phòng rủi ro.
Phan Vũ đã tạo ra bước đột phá khi nhận chuyển giao công nghệ mới từ Japan Pile. Ðiển hình là công nghệ cọc khoan hạ, trước đây 1 thiết bị thi công cọc khoan nhồi được 2 tim/ngày thì công nghệ mới đạt đến 6 tim/ngày, năng suất tăng gấp 3, nâng cao chất lượng, giảm thời gian thi công và hạ giá thành.
Từ 2014, cùng với Japan Pile, chúng tôi đầu tư hàng loạt nhà máy có công suất và chất lượng vượt trội tại Long An, Ðồng Nai, Hải Dương... Năm 2017, chúng tôi tiếp tục đầu tư thêm 1 nhà máy cấu kiện bê tông đúc sẵn lắp ghép tại Long An. Vào tháng 4.2020, Phan Vũ đã đưa sản phẩm cấu kiện bê tông ghép kích thước lớn cho Nhà máy hóa dầu Long Sơn (Bà Rịa-Vũng Tàu) đã gây được tiếng vang trên thị trường VN.
Trong năm 2018, Phan Vũ đã mua lại toàn bộ chuỗi sản xuất cọc của Tập đoàn Fecon, gồm FCM Hà Nam và FCM Nghi Sơn. Sau 10 năm hợp tác với Japan Pile, chúng tôi đã mở rộng hệ thống nhà máy lên con số 10 và tăng năng suất lên gấp 4 lần, trong khi nhân sự chỉ tăng gấp 2 trên toàn tập đoàn, từ 1.000 lên 2.000 người.
Năm 2020, ảnh hưởng nặng nề của đại dịch Covid-19, Phan Vũ đã có những giải pháp, chính sách gì cho hoạt động sản xuất kinh doanh?
Nói đến vấn đề này, một lần nữa tôi phải cảm ơn đối tác Nhật Bản. Ðối tác đã giúp Phan Vũ hoàn thiện chiến lược kinh doanh tốt hơn, dù chúng tôi đã xây dựng nó từ năm 2008. Trong chiến lược kinh doanh từ 2010 đến nay, chúng tôi luôn dành riêng một chương nêu về các rủi ro, phải làm gì nếu có khủng hoảng xảy ra. Do đó, khi dịch Covid-19 xảy đến, Phan Vũ đã chủ động đưa ra các giải pháp phù hợp theo các hướng dẫn của chiến lược. Ngoài ra, tôi cảm ơn Chính phủ và TP.HCM đã có những chỉ dẫn rất cụ thể, kịp thời khi dịch Covid-19 bất ngờ xảy ra. Chúng tôi chỉ việc tuân thủ đầy đủ các chỉ dẫn và điều chỉnh linh hoạt để phù hợp với tình hình mới, vừa đảm bảo an toàn cho cán bộ nhân viên vừa không làm gián đoạn hoạt động sản xuất kinh doanh.
Ông có thể chia sẻ về việc nắm bắt công nghệ, kỹ thuật hiện đại để có thể thực hiện công trình quy mô lớn, kỹ thuật cao, nhất là ứng dụng công nghệ 4.0, trí tuệ nhân tạo (AI)?
Phan Vũ quan tâm đến vấn đề này và đã đưa vào chiến lược kinh doanh như áp dụng mã QR theo sản phẩm, hệ thống quản lý ERP từ 2016 và phát triển các phần mềm ứng dụng, đưa công nghệ 4.0 vào quản lý dự án... Tôi cho rằng đây là việc bắt buộc phải làm, dù thật sự rất khó khăn khi triển khai.
Xu thế nghiên cứu và phát triển (R&D) trong 5 năm tới là phải dựa trên nền tảng công nghệ 4.0 và AI. Ðầu tiên là ứng dụng trong nghiên cứu phát triển vật liệu xây dựng mới, thông qua sự giúp ích của cơ sở dữ liệu lớn. Thứ hai, nghiên cứu phát triển thiết bị công nghệ mới, nâng cấp độ thông minh của thiết bị. Thứ ba, nâng cấp hệ thống quản lý lên trình độ 4.0, quản lý thông minh và ứng dụng AI.
Phan Vũ đã, đang và sẽ làm gì để hướng đến mục tiêu phát triển bền vững?
Mục tiêu của Phan Vũ là thân thiện môi trường từ sản xuất đến thi công. Cụ thể, chúng tôi đã cải tiến thành công công nghệ quay ly tâm truyền thống thành công nghệ không vữa thừa, không phát thải ra môi trường. Hay việc sử dụng năng lượng tái tạo vào sản xuất bằng cách lắp các tấm pin năng lượng mặt trời áp mái tại các nhà máy, hay chuyển từ lò đốt bằng dầu sang đốt trấu, vừa tiết kiệm vừa thân thiện môi trường.
Mục tiêu phát triển bền vững được xác lập thông qua các ứng dụng ít tiêu tốn nguyên vật liệu và tiết kiệm năng lượng hơn. Trước đây, cường độ bê tông khoảng 300 kg/cm², hiện nay sản phẩm của chúng tôi đạt 1.000 kg/cm², tăng cường độ gấp 3 lần, tức là tiết kiệm được nguyên vật liệu ít nhất 3 lần. Ngoài ra, chúng tôi tận dụng nguyên vật liệu phế thải để quay vòng, tái chế và hạn chế tối đa phát thải ra môi trường.
Xin cảm ơn ông!
Nguồn: https://www.phanvu.vn/